Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại cho rằng: Việc bổ nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng ở ACV như báo chí phản ánh là bất bình thường. Một doanh nghiệp hoạt động liên tục thì chỉ khi có người về hưu mới có cán bộ lên thay thế nhưng cũng chỉ vài ba trường hợp chứ không thể có chuyện đột biến lên tới gần trăm người cùng một lúc. “Ngay cả khi tái cơ cấu tổ chức thì cũng chỉ bổ nhiệm vài người chứ không tới mức cả gần trăm người như thế”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, không chỉ ở ACV, nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ở các cơ quan công quyền thường xuyên xảy ra tình trạng ký quyết định bổ nhiệm cán bộ hoặc tuyển dụng vào biên chế cho vài trường hợp trước khi lãnh đạo về hưu. “Các cán bộ ở cơ quan dù biết sự việc nhưng cũng chỉ xì xào sau đó cho qua. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp như ACV dù đã cổ phần hóa nhưng vẫn còn hơn 95% vốn Nhà nước thì đúng là bổ nhiệm tới gần trăm người đã gây rúng động dư luận”, ông Nam nói.
PGS. TS. Nguyễn Văn Nam
Theo ông Nam, thời ông còn công tác, một số cơ quan, tổ chức còn đưa ra quy định trước khi về hưu thì trong vòng 6 tháng lãnh đạo không được đề bạt, cất nhắc, bổ nhiệm để tránh gây xáo trộn ở cơ quan. Hiện tại, việc phân quyền cho cấp dưới, và bỏ quy định cũ đã khiến cho tình trạng bổ nhiệm không đúng quy định, thậm chí có nơi bổ nhiệm sai, bổ nhiệm vô tội vạ như ở Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa vừa qua và trước đó là bổ nhiệm ở Thanh tra Chính phủ (năm 2011).
Theo ông Nam, để hạn chế tình trạng bổ nhiệm cần thay đổi mô hình và các quy định quản lý, vì hiện tại dù trong các cơ quan mỗi khi bổ nhiệm còn có quy trình lấy ý kiến của tập thể, nhưng trong tập thể ấy thì vai trò của thủ trưởng cơ quan vẫn còn quá lớn và cơ bản là do thủ trưởng quyết định. Do đó, trong các quy định bổ nhiệm cũng cần có các quy định cụ thể để hạn chế quyền lực của thủ trưởng các đơn vị công quyền, các doanh nghiệp của Nhà nước… “Mặc dù ở nước ngoài họ làm rất tốt nhưng ở Việt Nam, quyền hạn và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hiện còn chưa rõ dẫn tới có người không biết vận dụng thế nào, còn có người thì lạm quyền để trục lợi cho cá nhân khi bổ nhiệm, đề bạt…nhất là các thủ trưởng chuẩn bị về hưu”, ông Nam nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định trên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Việc bổ nhiệm hàng loạt các cán bộ trước khi về hưu của ông Lê Mạnh Hùng ở ACV không phải là trường hợp đơn lẻ mà nó đã trở thành phổ biến từ nhiều năm nay. Đặc biệt, tình trạng bổ nhiệm này thường xuất hiện phổ biến ở các cơ quan công quyền. Tình trạng bổ nhiệm của các lãnh đạo trước khi về hưu theo kiểu “cú vét cuối cùng” không chỉ làm xáo trộn tổ chức mà còn ảnh hưởng tới tâm lý của nhiều cán bộ trong cơ quan, đơn vị đó.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh
Thực tế cho thấy, những trường hợp bổ nhiệm ở Sở NN&PTNT Thanh Hóa hay bổ nhiệm ở Thanh tra Chính phủ…đã được chỉ ra có nhiều trường hợp bổ nhiệm sai, bổ nhiệm không có trong quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn hoặc thậm chí có trường hợp bổ nhiệm thừa cán bộ. “Tại sao không bổ nhiệm trước đó, mà cứ phải tới lúc về hưu mới ký quyết định bổ nhiệm tới hàng trăm cán bộ. Rõ ràng là việc bộ nhiệm nhiều như thế đã có dấu hiệu tham nhũng vì muốn thu về một khoản lợi ích từ chạy chọt”, ông Thịnh đặt vấn đề.
Theo ông Thịnh, nếu là doanh nghiệp tư nhân thì lại chẳng có tình trạng đó vì thông thường các doanh nghiệp tư nhân họ cần có người tài, làm được việc thực sự mới được bổ nhiệm, cất nhắc. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra, làm rõ việc bổ nhiệm có đúng các quy định của pháp luật không? Đặc biệt là còn phải làm rõ người bổ nhiệm có trong sáng vì lợi ích của tổ chức, của Nhà nước là bố trí, sắp xếp người tài vào đúng vị trí hay chỉ là bổ nhiệm do có quen biết, có chạy chọt… “Nếu phát hiện ra có tiêu cực thì cần xử lý cả người được bổ nhiệm và người bổ nhiệm. Không phải cứ chuẩn bị về hưu thì nghĩ “hạ cánh” là an toàn mà cần tiếp tục xử lý nếu phát hiện có tiêu cực, có tham nhũng”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Trước sự việc bổ nhiệm gây xôn xao dư luận ở ACV, ngày 9.7, đại diện ACV cho biết: Sau khi rà soát, Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị đã nhiều lần họp, xem xét và ban hành 32 Nghị quyết về công tác bổ nhiệm cán bộ, trong đó giao Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ký Quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền theo quy chế phân cấp quản lý cán bộ của Tổng công ty. Trong tháng 4 và 6.2018, Tổng công ty thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ cụ thể như sau: Bổ nhiệm, điều động các chức vụ tương đương do thay đổi về cơ cấu tổ chức và tên gọi: 15 trường hợp; trong đó 3 cán bộ cấp Ban và 12 cán bộ cấp Phòng của Tổng công ty. Bổ nhiệm các cán bộ trong quy hoạch đã được đề nghị từ năm 2016: 53 trường hợp; trong đó 3 cán bộ cấp Ban, 20 cán bộ cấp Phòng và Trung tâm, 30 cán bộ cấp Đội. Bổ nhiệm mới: 36 trường hợp trong quy hoạch; trong đó 6 cán bộ cấp Ban và Chi nhánh, 21 cán bộ cấp Phòng, 9 cán bộ cấp Đội. Các trường hợp bổ nhiệm mới cán bộ nêu trên hoàn toàn là quá trình xem xét, triển khai và quyết định của tập thể Lãnh đạo Tổng công ty căn cứ vào nhu cầu quản lý, điều hành và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phù hợp với mô hình tổ chức; được thực hiện theo quy định, quy chế của Tổng công ty; đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với quy hoạch cán bộ giai đoạn 2016 -2021. ACV cũng cho rằng, với các nội dung nêu trên, việc ký quyết định bổ nhiệm cán bộ của ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật không phải là quyết định cá nhân mà là trách nhiệm công vụ thực hiện theo thẩm quyền đã được phân cấp của Tổng công ty. |
Nguồn: danviet.vn